Môi giới là một nghề quan trọng trong lĩnh vực bất động sản, là cánh tay nối dài của chủ đầu tư đến với khách hàng. Tuy nhiên, đằng sau vai trò quan trọng đó, cũng có không ít mặt trái của các đơn vị phân phối hoặc người môi giới độc lập, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh chung của nghề môi giới bất động sản.
Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản bên lề một cuộc tọa đàm vừa diễn ra tại Hà Nội, một chuyên gia bất động sản tiết lộ: “Một số trường hợp chủ đầu tư, công ty môi giới cung cấp các thông tin về sản phẩm không đầy đủ, hoặc không đúng cho người tiêu dùng.
Chúng tôi đã chứng kiến có những công ty môi giới ký hợp đồng đặt cọc với người mua nhà hình thành trong tương lai và thu từ 50 - 70% giá trị của hợp đồng. Việc những công ty môi giới tự ý ký hợp đồng với khách hàng là vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản”.
Cụ thể, theo vị này, hành vi trên vi phạm Điều 13 - Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Do đó, người tiêu dùng phải tìm hiểu kỹ vấn đề pháp lý khi đặt bút ký hợp đồng và nộp tiền, nếu không muốn “tiền mất, tật mang”.
“Một số công ty môi giới phía Nam đã tự ý thay đổi tên dự án, tên chủ đầu tư để người mua, không biết đâu mà lần, không thể tìm được thông tin chính xác về dự án và chủ đầu tư. Thậm chí, có những công ty môi giới tự ý vẽ thêm vào bản đồ dự án những dịch vụ, tiện ích không có thật để lừa dối người tiêu dùng và nâng giá bán. Điều đó đã gây thiệt hại lớn cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp”, vị này cho biết thêm.
Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, với một thị trường bất động sản còn khá non trẻ như Việt Nam, vai trò và tầm ảnh hưởng của lực lượng môi giới đang ngày càng thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng này cần phải được kiểm soát về chất lượng, nhất là khi số lượng đang gia tăng quá nhanh như hiện nay.
Cùng quan điểm, một số chuyên gia cho biết, phát triển hoạt động và xây dựng đội ngũ những người hành nghề môi giới bất động sản theo hướng chuyên nghiệp, lành mạnh là một trong những yếu tố then chốt để minh bạch hóa thị trường, đảm bảo thị trường đi đúng hướng, phát triển ổn định.
Mặt khác, trước thực trạng về vấn đề kiện tụng của khách hàng với chủ đầu tư như hiện nay, môi giới càng có cơ hội chứng tỏ vai trò của mình hơn với khách hàng và chủ đầu tư. Tuy nhiên, lực lượng môi giới hiện nay chưa được đào tạo bài bản. Có chăng cũng chỉ là những buổi thuyết trình mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ rõ, thị trường bất động sản Việt Nam cũng chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng, chế tài đủ mạnh để quản lý hoạt động của môi giới bất động sản, cũng như bảo vệ lợi ích của người hành nghề. Chính điều này khiến cho người làm nghề môi giới bất động sản dễ rơi vào vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt, chạy theo cách làm chộp giật, “ăn xổi”, không có mục tiêu và định hướng phát triển lâu dài, gây ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực môi giới bất động sản nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.
Ngoài ra, theo lãnh đạo một đơn vị môi giới bất động sản có trụ sở tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), hiện nay, các thông tin về thị trường bất động sản ở Việt Nam chưa được minh bạch, cùng với những quy tắc đạo đức hành nghề của người hành nghề môi giới còn thiếu, dẫn đến sự cạnh tranh cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhân viên môi giới và giữa các đơn vị phân phối với nhau, khiến khách hàng mất niềm tin.
“Thiết nghĩ, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý để giảm bớt những “mặt trái” của nghề môi giới bất động sản, giúp cho đội ngũ bất động sản phát triển lành mạnh hơn, tranh được hiện tượng ‘con sâu làm rầu nồi canh’. Qua đó, cũng góp phần cùng sự phát triển minh bạch của thị trường bất động sản trong tương lai. Ngoài ra, bản thân các sàn giao dịch bất động sản, các nhân viên môi giới cũng cần tự nâng cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp của mình để giúp nghề môi giới bất động sản Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, được thị trường tin tưởng và coi trọng”, vị giám đốc này nói.
Theo Kim Đức
Báo Đầu tư Bất động sản