Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh cho biết, bất động sản là ngành được quan tâm đặc biệt, tập đoàn sẽ dành khoảng vài ngàn tỷ đồng để tham gia thị trường này.
CEO Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh
Hầu hết các quan khách tham dự buổi họp báo ra mắt Câu lạc bộ Bất động sản TP. HCM (CLB) vừa qua đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy tên ông Trần Quí Thanh và Tập đoàn Tân Hiệp Phát có mặt trong thành phần ban lãnh đạo dự kiến. Bởi trước nay, tên tuổi Tân Hiệp Phát và ông Trần Quí Thanh vốn gắn liền với ngành đồ uống, giải khát.
Giải thích cho vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch dự kiến của CLB, phát biểu: “Tân Hiệp Phát sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để hỗ trợ các thành viên trong CLB khi họ thiếu vốn cho các dự án bất động sản”.
Khi đề cập đến chuyện quỹ đất sạch mới, dù không đề cập đến Tân Hiệp Phát, song ai cũng biết ông Bảo đang nói đến doanh nghiệp này.
"Trước đây, nhà nước cấp cho doanh nghiệp họ nhiều quỹ đất để xây nhà máy, nhưng, bây giờ, nhà nước cho rằng, khu vực đó không thích hợp để xây nhà máy sản xuất nữa, doanh nghiệp đó có thể xin chuyển mục đích sử dụng, để xây chung cư, nhà liền kề", ông Bảo ví dụ.
Tân Hiệp Phát hiện có 4 nhà máy sản xuất nước giải khát ở Bình Dương, Hà Nam, Chu Lai – Quảng Nam và Hậu Giang.
Ông Trần Quí Thanh đã từng tham gia vào HĐQT của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn từ lâu, vào tháng 6/2017, ông sở hữu 478.482 cổ phiếu của doanh nghiệp này. Đầu năm 2018, khi Địa ốc Sài Gòn chính thức xuất hiện ở HOSE, ông Thanh trở thành một người giàu trên sàn chứng khoán.
Trao đổi với TheLEADER, ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng thừa nhận, nhắm vào 2 lợi thế về nguồn vốn và quỹ đất khi chọn bất động sản để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, biến Tân Hiệp Phát trở thành một tập đoàn đa ngành trong tương lai.
Thưa ông, vì sao Tân Hiệp Phát lại chọn thời điểm này để nhảy vào lĩnh vực bất động sản?
Ông Trần Quí Thanh: Thật ra, bất động sản là một ngành khá thú vị nhưng không phải tại nó đang lên mà Tân Hiệp Phát tham gia. Lên hay xuống có thể là rủi ro hoặc cơ hội của người này hoặc người khác, nhiều khi nó đang xuống lại là cơ hội của một số người hoặc đang lên lại là rủi ro với một số người khác.
Tân Hiệp Phát cũng quan tâm tới bất động sản, vì tất cả mọi người, mọi lĩnh vực đều có mối liên quan đến bất động sản, đây là một ngành thú vị nhất là trong giai đoạn đất nước đang phát triển, nhu cầu mở rộng thành phố, mở rộng kinh doanh rất lớn.
Tất nhiên, khi Tân Hiệp Phát quyết định tham gia cũng đã chọn điểm rơi thích hợp, có lợi nhất cho những lợi thế cạnh tranh của mình. Hơn nữa, khi chúng tôi đã thu sếp ổn thoả mọi chuyện cho ngành cốt lõi, sẽ tham gia vào các ngành khác với tâm thế tiêu tốn thời gian và nguồn lực trong tầm kiểm soát.
Vậy ngành bất động sản sẽ có vai trò như thế nào trong tập đoàn Tân Hiệp Phát thời gian tới?
Ông Trần Quí Thanh: Bất động sản sẽ là ngành được quan tâm đặc biệt.
Nhà máy của Tân Hiệp Phát ở Hà Nam.
Hiện tại, thị trường bất động sản đang khá nóng, không ít chuyên gia dự đoán, nó sẽ dẫn tới tình trạng “vỡ bong bóng” trong nay mai. Ông có lo ngại điều đó?
Ông Trần Quí Thanh: Như tôi đã nói trước đó, chúng tôi tham gia bất động sản không bởi nó đang lên, mà cảm thấy đang ở điểm rơi phù hợp với bản thân và thời cơ chín muồi để lấn sân sang mảng khác.
Bất cứ ngành nào thời điểm này cũng có người làm giàu và người sạt nghiệp cả. Sở dĩ chúng tôi chọn bất động sản để mở rộng kinh doanh vì nó là một ngành quan trọng, đóng góp rất nhiều cho GDP đất nước.
Tân Hiệp Phát sẽ tham gia vào ngành bất động sản với vai trò gì: Cung cấp nguồn vốn, phát triển dự án, góp quỹ đất….?
Ông Trần Quí Thanh: Phương châm của Tân Hiệp Phát là “không gì không thể”. Tùy vào dự án mà công ty có thể đầu tư vốn, đóng vai nhà phát triển hoặc cộng tác… quan trọng là có cơ hội, có cơ hội nào sẽ khai thác cơ hội đó.
Tân Hiệp Phát sẽ không ưu tiên phân khúc nào cả, vì mỗi phân khúc có lợi thế chỉ một giai đoạn nào đó. Mình thấy cơ hội mang lại lợi nhuận thì sẽ tham gia.
Muốn phát triển bất động sản phải có quỹ đất, ông có thể tiết lộ quỹ đất mà Tân Hiệp Phát đang sở hữu?
Ông Trần Quí Thanh: Theo tôi nghĩ, ai cũng có quỹ đất, quỹ đất không nằm im, nó luôn phát triển và biến thành hàng hoá. Có quỹ đất không phải là chuyện khó, miễn sao nó tạo được giá trị cho xã hội.
Nếu nói Tân Hiệp Phát không có quỹ đất thì có vẻ hơi khiêm tốn. Tập đoàn hiện có một vài quỹ đất nho nhỏ, chỉ nói riêng 4 nhà máy chúng tôi đã có 160ha. Đất mà THP có thể sử dụng, cái trong khu công nghiệp, cái ngoài khu công nghiệp.
Tân Hiệp Phát dự định dành cho bất động sản nguồn vốn đầu tư khoảng bao nhiêu thưa ông?
Ông Trần Quí Thanh: Chắc cũng nhỏ thôi, khoảng vài ngàn tỷ.
Xin cám ơn ông!
Read more: http://www.hoinhabao.com/2018/05/van-co-bat-ong-san-cua-ong-chu-tan-hiep.html#ixzz5GVWJSPjb