Người ôm đất tưởng giá bất động sản tăng lên, thật ra khoản chênh lệch phản ánh chỉ số trượt giá đồng tiền theo thời gian.
Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa cho biết cho ít nhất 4 nguyên lý cơ bản khiến cho những cơn sốt đất qua đi song giá bất động sản khó quay về vùng đáy trước đây.
Trượt giá hàng năm tích tụ trong giá đất
Theo chuyên gia này, giá bất động sản nói chung và giá đất nói riêng chỉ phản ánh sự tăng lên của lạm phát và chi phí xây dựng ngày càng cao hơn. Điều này cũng đúng với vàng và các hàng hóa khác. Tuy nhiên, khác với vàng, bất động sản có thể cho thuê, khai thác để kiếm về một khoản thu nhập. Với bất động sản liền thổ, sốt đất phản ảnh rõ nét sự tích tụ của trượt giá đồng tiền qua từng năm.
Trong 20 năm qua, tính bằng đơn vị thập niên, giá đất tại TP HCM không hề giảm. Nhưng sự tăng giá này có nguyên nhân sâu xa, đó là giá trị đồng tiền cách đây vài thập niên đã thay đổi nên giá đất vì thế cũng thay đổi theo. Như vậy, không phải là giá đất tăng lên mà là tỷ lệ trượt giá đã tích tụ trong khoảng thời gian tính bằng thập niên đã đội lên rất cao. Do có khả năng chống trượt giá, đầu tư đất được xem là một kênh trú ẩn an toàn.
Hiện nay thị trường bất động sản trở nên bất thường, khó đoán, làm dấy lên những quan ngại về bong bóng giá. Thế nhưng, có một nguyên lý tham chiếu là thị trường sẽ trở về đúng với xu thế tự nhiên khi bất động sản không tăng giá cao hơn mức độ trượt giá.
Đất nền thuộc khu Cát Lái, quận 2, TP HCM. Ảnh: Dothi.net
Chi phí liên quan đến đất đai ngày càng tăng cao
Ngoài tỷ lệ trượt giá, bong bóng giá đất còn tích tụ trong hàng loạt những chi phí khác liên quan đến tài sản này. Đó là xây dựng hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, chuyển mục đích sử dụng, hoàn tất thủ tục pháp lý… Ngay cả nhân công tăng lên, giá vật tư leo thang, vốn vay làm hạ tầng, chi phí mặt bằng ngày càng đắt đỏ cũng được cộng dồn vào giá đất.
Do các chi phí đầu vào hình thành nên tài sản này không ngừng đội lên nên giá đất rất khó sụt giảm về vùng đáy cũ sau mỗi cơn nóng sốt. Tất nhiên, nếu chi phí liên quan đến quá trình hình thành khu đất ở mức cực thấp thì khả năng điều chỉnh giá có thể diễn ra khi thị trường bước vào chu kỳ khủng hoảng.
Cuộc chiến tích trữ đất đai lên đến đỉnh điểm
Việt Nam là một thị trường bất động sản đặc biệt, ở đó tài sản gắn liền với đất trong ý thức hệ của người dân là hàng hóa thiết yếu của cả một đời người. Mảnh đất cần thiết như các mặt hàng nhu yếu phẩm, xếp ngang hàng với nhu cầu ăn, mặc là nhu cầu ở. Điều này tạo nên kịch bản tích trữ đất, gom đất và ôm đất càng nhiều càng tốt. Trong 4 năm qua, làn sóng thu gom đất đã lên đến đỉnh điểm, sóng sau cao hơn sóng trước.
Do nhu cầu tăng lên trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến tài sản này trở nên ngày cang khan hiếm dần. Thông thường, cái gì khan hiếm thì giá cao, lập đỉnh và rất khó quay trở về vùng đáy trước đó.
Mật độ dân cư sẽ phản ánh đúng giá đất
Những khu vực nào từng diễn ra sốt đất và duy trì cột giá cao bền vững theo thời gian thì đó chính là giá trị trị thật tương đối của tài sản. Tác nhân giúp duy trì giá đất chính là mật độ dân cư đông đúc. Những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, hình thành cộng đồng dân cư hoàn chỉnh, hạ tầng đồng bộ, thường khó bị sụt giảm giá sau những cơn sốt đất đỉnh điểm.
Tính năng tiêu dùng của bất động sản hay mật độ dân cư thường phản ánh được nhu cầu đất đai tại khu vực nào đó là thật hay ảo. Theo ông Nghĩa, nếu nhà đầu tư thu gom đất vô tội vạ và bỏ qua nguyên lý thứ tư này, rất có thể họ đang tích tụ bong bóng giá đất.
Theo NLD.com.vn
Có nên mua lúc thị trường diễn ra sốt đất?
Để giải đáp băn khoăn của người mua bất động sản liền thổ, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang cho biết, hành vi mua đất phụ thuộc vào nhiều nhu cầu khác nhau. Do đó, cần chia thành từng nhóm mục tiêu để khuyến cáo cụ thể.
Ông Quang chỉ ra có 3 nhóm khách hàng chính đang mua đất trên thị trường hiện nay gồm: giới đầu cơ, nhà đầu tư và người mua để sử dụng (tích lũy, xây nhà, cho con cái). Chuyên gia này chỉ ra đặc tính và thói quen của từng nhóm khách hàng kèm lời cảnh báo.
Với giới đầu cơ: Hiện thị trường bất động sản liền thổ TP HCM nói riêng và nhiều tỉnh thành khác nằm trong tay giới đầu cơ và do đối tượng này dẫn dắt. Với nhóm khách hàng thu gom đất diện đầu cơ, thị trường nóng sốt là cơ hội lớn để họ tạo sóng và lướt sóng. Đa phần giới đầu cơ có dòng vốn lớn và dài hạn, đủ sức mua – bán gây đột biến về giá trên thị trường... Họ thường đi theo từng nhóm (group) để thu mua và có chiến lược mua bán khá bài bản trong thế chủ động. Thị trường càng nóng sốt thì giới đầu cơ càng hoạt động sôi nổi. Họ chỉ dừng mua khi thị trường quay đầu đi xuống, rơi vào khó khăn, bắt đầu chu kỳ khủng hoảng.
|
Đất nền một dự án tại xã Phong Phú, thuộc khu Nam Sài Gòn. Ảnh chụp từ video của môi giới |
Với giới đầu tư: Sốt đất vừa là cơ hội vừa là thách thức với giới đầu tư. Xét về cơ hội, giá đất tăng, nhóm khách hàng này có thể tận dụng thời điểm thị trường giao dịch tốt , mãi lực cao dễ mua bán kiếm lời. Tuy nhiên, giới đầu tư chưa đủ lực tạo ra sóng mà chỉ nương theo sóng nên không có sự chủ động cao bằng đối tượng đầu cơ.
Thách thức đối với nhà đầu tư là dù có kiến thức và sự hiểu biết cao về thị trường nhưng họ khó tránh khỏi có tâm lý mua theo đám đông. Bong bóng giá lên cao khiến lòng tham ngày càng lớn, đẩy giới đầu tư vào tình thế ưu tiên lợi nhuận, xem nhẹ giá trị thực và tính pháp lý nên rủi ro cao.
Lời khuyên cho nhà đầu tư là nếu thu gom đất lúc thị trường nóng sốt bằng dòng tiền nhàn rỗi, hãy chỉ dành ra 30% lượng tiền mặt để đầu tư bất động sản trong thời điểm hiện nay. 70% lượng tiền mặt còn lại được xem là dòng tiền săn tìm cơ hội nên giữ lại để tung ra vào thời điểm thích hợp hơn. Nếu dùng đòn bẩy tài chính trong thời điểm này, nhà đầu tư phải cân nhắc không nên vay vượt ngưỡng an toàn (chỉ vay 50% giá trị tài sản trở xuống).
Với người mua để sử dụng: Đây là nhóm khách hàng ít kinh nghiệm nhất trên thị trường và có nhiều khả năng chịu thiệt thòi nếu thu mua đất trong thời điểm thị trường nóng sốt. Nhóm khách hàng này chỉ mua đất khi có nhu cầu (sử dụng, giữ làm của để dành, cho tặng con cái) và thường chuẩn bị sẵn sàng tài chính hoặc tìm được sự hỗ trợ tài chính (từ ngân hàng, gia đình). Nếu người mua đất để sử dụng không vội, có thể trì hoãn giao dịch để quan sát, thăm dò, định giá, tìm chuyên gia tư vấn pháp lý, sau đó mới đưa ra quyết định. Thực tế là mặt bằng giá đất hiện nay đang ở mức rất cao, trong đó có giá ảo và giá thật lẫn lộn nhau.
Riêng những người mua đất để sử dụng phải vay vốn ngân hàng và eo hẹp tài chính, tạm thời có thể trì hoãn 12 tháng để dò xét thị trường rồi đưa ra quyết định dựa trên diễn biến thực tế. Việc chờ giá giảm để mua đất có một bất lợi là nhiều khả năng phải chờ đợi rất lâu, tối thiểu trong vòng 12 tháng trở lên mới biết được xu hướng của thị trường.
Một thực tế đầy mâu thuẫn hiện nay là, dù sốt đất diễn ra và kéo dài liên tục 4 năm (2015-2016-2017-2018) nhưng chưa thể xác định bao giờ thị trường bước vào chu kỳ suy thoái. Ngoài ra, không loại trừ khả năng, ngay cả khi giá đất đã giảm xuống, thị giá của tài sản vẫn ở mức quá cao so với khả năng chi trả của nhóm khách hàng này.
Chuyên gia Trần Khánh Quang nhận định, bất cứ thời điểm nào, dù khủng hoảng hay nóng sốt, thị trường bất động sản liền thổ đều có nhu cầu mua bán đan xen nhau. Với người mua đất để sử dụng việc trì hoãn khi gặp kịch bản sốt đất được xem là giải pháp an toàn để tránh mua hớ. Trong khi đó, với giới đầu cơ và đầu tư, sốt đất là thời điểm vàng để mua bán liền tay vì chờ đợi sẽ khiến họ đánh mất cơ hội.
Trả lời câu hỏi liệu sau cơn sốt đất, có bao giờ xảy ra kịch bản sụt giảm hay không, ông Quang cho rằng, có chu kỳ tăng thì sẽ có chu kỳ giảm. Tuy nhiên, đồ thị tăng – giảm của giá đất còn phụ thuộc vào vị trí và khu vực bất động sản tọa lạc.
Nếu khu đất pháp lý hoàn chỉnh, nằm ở nơi có thể xây dựng, khai thác, để ở hoặc cho thuê thì khả năng giảm giá rất thấp. Ngược lại đất nằm ở vị trí có mật độ dân cư thấp, pháp lý chưa hoàn chỉnh, cơ hội khai thác cho thuê, làm thương mại không cao, thì giá đất có thể sẽ điều chỉnh khi thị trường bước vào chu kỳ suy thoái, khủng hoảng.
Vũ Lê ghi